1. Đôi nét về sự hình thành tục trưng bày mâm ngũ quả của người Việt

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết dâng cúng tổ tiên vốn là hình thức thể hiện tín ngưỡng dân gian được duy trì qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong ngành khoa học cổ truyền Á Đông, sự hình thành của phong tục này mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Tên gọi mâm ngũ quả không chỉ quy ước là bạn phải chưng 5 loại quả khác nhau.

Theo phong thủy, con số 5 tọa ở giữa Lạc Thư. Tức là con số trung tâm của vũ trụ, giữa trời và đất, giữa âm và dương. Con số 5 đại diện cho những nguyên tố sinh khắc của vận mệnh trong ngũ hành. Ngũ hành bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nó tương ứng với sự vận động, biến hóa khôn lường của vạn vật trong vũ trụ.

Từ ngũ trong đại từ điển có đến 12 nghĩa. Đồng thời, có 1148 từ ghép với chữ ngũ đơn cử như ngũ sắc, ngũ âm, ngũ vị, ngũ tạng… Nên có thể coi số 5 là biểu tượng chung của sự sống. Ngoài ra, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết dâng lên bàn thờ còn thể hiện ao ước đạt ngũ phúc long môn của người Việt. Gói gọn mong cầu trong 5 chữ Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Với ngụ ý muốn có vận may về tài lộc lẫn sức khỏe vào cả năm mới.

tục bày mâm ngũ quả gắn liền với đời sống tâm linh theo thuyết ngũ hành và thờ cúng trong nông nghiệp
Tục bày mâm ngũ quả gắn liền với đời sống tâm linh theo thuyết ngũ hành và thờ cúng trong nông nghiệp. Ảnh Internet.

Trong nông nghiệp, để cảm tạ các vị thần cai quản đất đai, người ta cũng bày mâm ngũ quả vào dịp Tết với ước muốn về một vụ mùa bội thu. Ngũ quả còn biểu tượng cho sự phồn thực và sinh sôi. Sự nối truyền dòng giống miên viễn. Mâm ngũ quả vượt lên trên cả ý nghĩa tượng trưng cho sự luân hồi của sống chết. Nó hướng mọi người đến cuộc sống bình đạm và an nhiên. Ngày nay, số lượng trái cây không nhất thiết giới hạn là 5. Nhiều gia đình đã bày biện phong phú hơn con số này. Thế nhưng người ta vẫn giữ nguyên cách gọi mâm ngũ quả như thường lệ.

2. Sự khác biệt giữa các cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền

2.1. Chia sẻ cách bày mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc

Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc ngày Tết thường tuân theo thuyết Ngũ hành. Vì vậy, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu. Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

Cách trình bày truyền thống là bạn sẽ luôn đặt chuối ở giữa và dưới cùng mâm để đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Nó tương ứng với hành Mộc, chuối tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần đầm ấm. Hình dạng nải chuối tựa hồ như bàn tay ngửa lên hứng lấy may mắn, sự chở che của đất trời.

Trong lòng nải chuối, người ta thường đặt lên một quả phật thủ hoặc bưởi vàng. Phật thủ có màu vàng ứng với hành Thổ. Hàm ẩn ý niệm hy vọng được trời Phật ban lộc, bình an cho nhân thế. Tiếp theo bạn có thể xếp thêm những loại trái cây xung quanh mang màu đỏ ứng với hành Hỏa. Chẳng hạn như quýt, hồng, ớt cam, táo đỏ. Những trái roi hay đào mang sắc trắng sẽ ứng với hành kim. Còn màu đen ứng với hàng thủy, thì bạn nên chọn nho hay mận bày trí đan xen vào nhau.

cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đặc sắc ở miền Bắc
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đặc sắc ở miền Bắc. Ảnh Internet.

3. Khám phá cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của miền Nam

Quan niệm thờ cúng chuối xanh theo ngũ hành ở miền Bắc không ăn khớp với lối tư duy của miền Nam. Họ thường chịu sự chi phối về mặt cảm thức ngữ âm từ tên gọi các loại trái cây. Do chuối phát âm gần giống với “chúi”, biểu thị sự nguy khó, nên người ta kiêng bày loại này.

Cũng bởi câu “quýt làm, cam chịu” mà người Nam không dùng cam trưng như ngoài Bắc. Họ cũng chẳng dùng quả lê, đồng âm với “lê lết” sẽ kém may mắn. Chưng quả bom cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyện làm ăn không được suôn sẻ.

Người miền Nam bày mâm ngũ quả với mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Vì vậy họ chọn 5 loại quả đọc chệch âm được như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó, sự hiện diện của trái thơm sẽ thể hiện sự vững vàng, con cháu đầy nhà. Người ta chẳng quên trang trí cùng cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng cân đối hai bên bàn thờ. Nó tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và ý nguyện khác nhau, chẳng có gì là “đủ”. Thế nhưng, ai cũng chỉ cần mong cuộc sống vừa đủ ổn thỏa mà thôi.

kiểu bày mâm ngũ quả miền Nam giản dị
Kiểu bày mâm ngũ quả miền Nam giản dị. Ảnh Internet.

4. Thiết kế mâm ngũ quả của người miền Trung

Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn dĩ cằn cỗi. Đặc biệt, Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt. Và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả. Họ chủ yếu có gì quý thì bày lên cúng nấy. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung đơn giản, nhưng thành tâm dâng kính tổ tiên.

Các loại quả thường thấy khá đa dạng như thanh long, dưa hấu, mãng cầu, dứa… Cách bày mâm ngũ quả miền Trung ngày Tết không gò bó quy củ nào, miễn sao thoạt nhìn trái cây có màu sắc tươi sáng, đẹp mắt là được. Tuy khác nhau về cách lựa chọn trái cây, nhưng mỗi nhà đều có điểm chung là chủ yếu xếp theo hình tháp hoặc hình long phượng. Muốn xếp hình tháp, bạn có thể kê trên dĩa những cái ly, chung nhỏ rồi che phủ lại bằng trái cây xung quanh theo các tầng cao thấp mà thôi.

cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung dạng hình tháp
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung dạng hình tháp. Ảnh Internet.

3. Gợi ý cách bày mâm ngũ quả để bàn thờ theo lối hiện đại

Ngày nay, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố ngũ hành trong phong thủy, người ta còn chưng mâm ngũ quả một cách thật nghệ thuật để không gian phòng thờ trở nên sinh động hơn. Cachlam.com.vn sẽ đề xuất cho bạn 2 ý tưởng liên quan đến việc bài trí mâm ngũ quả kiểu hiện đại bên dưới đây. Đừng chần chừ tham khảo nhé!

3.1. Cách xếp hoa tươi kết hợp trái cây trong cùng một khay đựng

Những nguyên vật liệu cần dùng

Để có mâm hoa trái đón giao thừa hoàn hảo bạn có thể chuẩn bị một khay đựng với kích cỡ lớn vừa phải bằng gỗ hoặc nhựa hay inox. Bạn đặt lên khay khối mút xốp đã tẩm nước sát một góc khay. Và xung quanh khối mút đã được bao chắn kỹ để tránh làm ướt trái cây trong quá trình cắm hoa lá vào. Các loại hoa cần dùng là hoa huyết môn, địa lan, lan vũ nữ, tùng nho và dương xỉ Pháp.

Cách bố trí hoa trái cụ thể

  • Quy tắc cơ bản bao giờ bạn cũng nên nhớ là hãy đặt trái cây có kích thước to trước như bưởi.
  • Kế đó là trái to cỡ trung như thanh long rồi đến xoài.
  • Tiếp tục cho lên những trái nhỏ hơn như táo đỏ, quýt. Bạn không nên để các trái bị che khuất lẫn nhau. Các trái đều phải được nhìn thấy để có tính hấp dẫn.
  • Đặt thêm mãng cầu ta với một chùm nho vào sẽ tạo ra sự xum xuê hơn.
cách xếp trái cây lên khay theo kích thước từ lớn đến nhỏ
Cách xếp trái cây lên khay theo kích thước từ lớn đến nhỏ. Ảnh Internet.
  • Bạn cắt tỉa cành tùng nho cho gọn gàng lại rồi cắm vào khối mút ở ngay giữa và lùi ra sát mép cạnh sau.
  • Cắm thêm cạnh bên những nhánh dương xỉ Pháp.
  • Cắm nhánh địa lan ở phía trước nhánh tùng nho với chiều cao thấp hơn một chút. Cắm xen lẫn những đóa huyết môn giữa đám lá dương xỉ.
  • Cuối cùng, chèn vào vài nhánh lan vũ nữ để che phủ khối mút và làm mâm ngũ quả càng rực rỡ.
  • Bạn tận dụng nốt những lá tùng nhỏ cắt tỉa dư ban đầu cắm vào các khe trái cây, vậy là đã hoàn tất.
cách bày mâm ngũ quả ngày Tết để bàn thờ kiểu hiện đại chỉn chu
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết để bàn thờ kiểu hiện đại chỉn chu. Ảnh Internet.

3.2. Bày mâm ngũ quả với hoa giả và bao lì xì

Ngoài việc chưng mâm ngũ quả thì bạn còn cần chi trả nhiều khoản phí để sắm sửa các đồ đạc khác vào năm mới. Để tiết kiệm túi tiền, bạn có thể mua hoa mai hay hoa đào giả trang trí xen giữa các khe trái cây. Bởi ưu điểm của hoa giả là dùng lại được nhiều lần. Bên cạnh đó, cách thiết kế mâm ngũ quả cắm kèm bao lì xì và dán giấy đỏ ghi các lời chúc cũng tạo được không khí mùa xuân tưng bừng. Không chỉ có các loại quả quen thuộc của Việt Nam, mà người ta còn bày biện với các giống trái cây từ nước ngoài như dưa lưới Nhật Bản hay lê Hàn Quốc. Điều này góp phần khiến không gian thờ thêm trang trọng.

trang trí mâm ngũ quả với hoa giả và bao lì xì
Lối trang trí mâm ngũ quả với hoa giả và bao lì xì. Ảnh Internet.

Tết là thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Là thời khắc thích hợp để ta tổng kết lại một năm làm lụng cũng như ước mong viên mãn trong giai đoạn tương lai. Việc học cách bày mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ để thể hiện tấm lòng thơm thảo với ông cha mà qua đó bạn cũng sẽ rèn luyện được khả năng sắp xếp càng tinh tế hơn. Tùy thuộc vào diện tích gian thờ mà bạn nên phân chia chỗ đặt mâm ngũ quả hợp lý. Tránh làm mâm ngũ quả quá lớn, gây bất tiện khi bày biện các món khác nữa nhé!

Bảo Tiên tổng hợp