1. Văn lập luận giải thích là gì?

Trong bài văn lập luận giải thích, cách làm hiệu quả nhất là học sinh cần đưa ra các lý lẽ dựa trên thực tiễn. Bên cạnh đó cần kết hợp nhiều dẫn chứng cụ thể, tiểu biểu nhất để làm sáng tỏ vấn đề. Hơn thế, lý lẽ nêu ra trong bài phải xác đáng, phù hợp với vấn đề mà mình đang giải thích.

Trong cuộc sống có nhiều sự vật, sự việc, vấn đề mà con người có nhu cầu tìm hiểu thì họ cần phép giải thích. Và để cho người nghe hiểu sáng tỏ vấn đề, sự việc đó, người giải thích phải dựa trên các lý lẽ, lập luận chặt chẽ, có cơ sở.

Như vậy, giải thích chính là một phép lập luận. Bài văn lập luận giải thích trong văn nghị luận là làm cho người đọc hiểu rõ các tư tưởng, đạo lý, phẩm chất, quan hệ… cần được giải thích nhằm nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dường tư tưởng, tình cảm cho con người.

làm văn lập luận giải thích
Văn lập luận giải thích là một đạng đề khó với học sinh lớp 7. Ảnh: Internet

2. Hướng dẫn cách làm làm bài văn lập luận giải thích theo chương trình lớp 7

Để soạn bài cách làm bài văn lập luận giải thích học sinh cần thực hiện đủ 3 bước: Tìm hiểu đề và tìm ý; Lập dài bài; Viết bài. Cụ thể cách làm sẽ được hướng dẫn chi tiết như sau.

2.1. Cách tìm hiểu đề và tìm ý trong bài văn lập luận giải thích

Ở bước tìm hiểu đề và tìm ý, học sinh cần thực hiện 2 thao tác quan trọng như sau.

2.1.1. Xác định đề yêu cầu giải thích vấn đề gì?

  • Có khi vấn đề cần giải thích được đề cập trực tiếp. Ví dụ giải thích về lòng khiêm tốn, lòng nhân đạo..
  • Nhưng cũng có khi vấn đề cần giải thích được đề cập gián tiếp. Ở đây người ra đề sẽ mượn hình ảnh, tục ngữ, dao… Ví dụ đề thi: “Nhân dân ta có câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Hãy giải thích nội dung câu tục ngữ đó”.
  • Với đề bài yêu cầu giải thích những hình ảnh gián tiếp học sinh cần cắt nghĩa được hình ảnh, tục ngữ, ca dao… nêu ra trong đề. Đề bài này thường đòi hỏi yêu cầu khá cao, bắt buộc học sinh phải nắm được nội dung rồi mới giải thích được.

2.1.2. Liên hệ với thực tế đời sống

  • Bước tìm ý này học sinh cần liên hệ với đời sống, sách báo và những trải nghiệm của mình thì càng tốt.
  • Ví dụ đề yêu cầu giải thích câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì cần tìm những ví dụ cụ thể trong thực tế. Ai đi nhiều và “khôn” nhiều? Ai khám phá ra những điều mới mẻ nhờ đi một ngày đàng? Bản thân em có được đi đây đó nhiều không? Và cảm nhận về những chuyến đi mang lại điều gì?
  • Liên hệ với những câu tục ngữ, ca dao tương tự để bổ sung. Ví dụ hai câu: Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng; Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.. sẽ rất thích hợp với ví dụ đề trên.
  • Có thể liên hệ những ý có ý nghĩa tương phản để làm nổi bật vấn đề cần giải thích. Ví dụ câu chuyện ếch ngồi đáy giếng chỉ thấy trời bằng vung thôi…
học sinh thcs
Bước tìm hiểu đề, tìm ý rất quan trọng trong viết văn lập luận giải thích. Ảnh: Internet

2.2. Cách lập dàn bài trong bài văn lập luận giải thích

Trong cách làm bài văn lập luận giải thích sau khi tìm ý, học sinh cần lập dàn bài. Đây là một công đoạn cực kỳ quan trọng, giúp học sinh giải thích rõ ràng vấn đề được đặt ra trong đề thi.

2.2.1. Cách làm mở bài

  • Giới thiệu vấn đề cần giải thích hoặc giới thiệu câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao, câu văn…
  • Nêu khái quát nội dung cần giải thích đó. Ví dụ câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là kinh nghiệm của ông cha về việc đi nhiều để mở mang tầm mắt, sự hiểu biết…

2.2.2. Cách làm thân bài

  • Giải thích các từ ngữ, khái niệm trong đề thi. Ví dụ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thì cần giải thích “đi một ngày đàng” là gì? Sàng khôn là gì?. Lưu ý với các tục ngữ ca dao có nghĩa đen, nghĩa bóng thì cần giải thích cả hai nghĩa.
  • Giải thích các ý nghĩa mở rộng của vấn đề, liên hệ với thực tế, với các dẫn chứng khác.
  • Giải thích ý nghĩa khái quát của vấn đề đối với cuộc sống của con người, lý giải sâu vấn đề.
  • Lưu ý cách sắp xếp các ý giải thích theo tuần tự trước sau để làm sáng rõ, nổi bật vấn đề.

2.2.3. Cách làm kết bài

  • Nhấn mạnh lại ý nghĩa vấn đề vừa giải thích.
  • Có thể mở rộng, đặt những câu hỏi mở.
làm văn lập luận giải thích
Để làm bài văn lập luận giải thích tốt học sinh cần nắm chắc nội dung đề thi. Ảnh: Internet

2.3. Cách viết bài cách làm bài văn lập luận giải thích

Sau khi có dàn bài hoàn chỉnh, học sinh đi vào viết bài. Các bước hướng dẫn cụ thể như sau.

2.3.1. Cách viết mở bài bài văn lập luận giải thích

  • Có thể chọn cách đi thẳng vào vấn đề. Ví dụ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm học tập của nhân dân ta, qua đó thể hiện ước mơ vươn tới những chân trời mới để mở mang hiểu biết…
  • Có thể chọn cách viết gián tiếp để dẫn đến vấn đề giải thích. Ví dụ đề thi trên ta sẽ viết: “Hẳn nhiều người từng nghe câu chuyện ếch ngồi đáy giếng với hình ảnh chú ếch kiêu ngạo, xem trời bằng vung… Qua đó thấm thía lời dạy của cha ông ta: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Còn gì thú vị hơn khi được đi đến những chân trời mới, ở những nơi cho ta bao điều mới lạ…

2.3.2. Cách viết thân bài

  • Cũng giống với làm bài văn lập luận chứng minh, ở bài lập luận giải thích, mỗi ý ở dàn bài viết thành một đoạn văn.
  • Chú ý cách liên kết các đoạn văn, các ý để làm rõ vấn đề cần giải thích.

2.3.3. Cách làm kết bài văn lập luận giải thích

  • Kết lại những ý chính trong thân bài.
  • Nêu ra bài học cho bản thân.
  • Nên xem mở bài viết sao thì kết bài cần hô ứng để tạo nên sự hài hòa cho bài văn.

Như vậy Cachlam.com.vn vừa hướng dẫn chi tiết cách làm bài văn lập luận giải thích tới các em học sinh THCS. Bên cạnh dạng bài này, các em có thể tham khảo thêm các cách làm bài văn khác mà chúng tôi đã đề cập trên website này. Chúc các em có những giờ học thật vui và ý nghĩa.

Đức Lộc